_๑۩۞۩๑_Diễn Đàn Sơn Trường Online_๑۩۞۩๑_
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

_๑۩۞۩๑_Diễn Đàn Sơn Trường Online_๑۩۞۩๑_

Nơi gặp gỡ giao lưu đồng hương Sơn Trường - Hương Sơn - Hà Tĩnh.
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Music
HUNG (19)
El_hero (2)

Lịch sử trường THPT Hương Sơn - Sưu tầmXem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down
Tue Mar 22 2011, 21:16
HUNG
Tớ Là - HUNG
Tước hiệuThần Zeus

Thần Zeus
Tổng số bài gửi : 19
Points : 82
Reputation : 4
Join date : 21/03/2011
Lịch sử trường THPT Hương Sơn - Sưu tầm Vide

Bài gửiTiêu đề: Lịch sử trường THPT Hương Sơn - Sưu tầm
https://sontruongoline.forumvi.com

Tiêu đề: Lịch sử trường THPT Hương Sơn - Sưu tầm

===========================================================
Trường cấp 3 Hương Sơn (nay là trường THPT Hương Sơn) bước vào năm học 2005-2006 vừa tròn 45 tuổi.Bốn mươi lăm năm qua từ mái trường này đã có biết bao nhiêu thế hệ thầy giáo, cô giáo, học sinh phấn đấu trưởng thành. Bốn mươi lăm năm qua, mái trường này đã trở thành niềm tin, niềm tự hào của phụ huynh, học sinh trên mảnh đất Hương Sơn địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học… Bốn mươi lăm năm với trường Cấp 3 Hương Sơn thuở ban đầu mà nay là Trường PTTH Hương Sơn đã biết bao đổi thay, mỗi bước đi là mỗi bước trưởng thành

I – Những năm đầu thành lập (1961-1964)


Trường cấp 3 Hương Sơn được thành lập vào tháng 8 năm1961.Những ngày đầu thành lập trường có các thầy cô giáo: Thầy Trần Đình Tiêu (Hiệu trưởng), Thầy Trần Bá Toại (Bí thư chi bộ), thầy Hà học Quát (dạy toán), thầy Phùng Văn Đồng, Thầy Nguyễn Đình Bính (dạy văn), thầy Nguyễn Trinh Thuyên (dạy Thể dục), thầy Minh (dạy Hoá), Thầy Trương Thang ( dạy Địa lý)...Cán bộ hành chính có bác Hà Trọng Châu, bác Trần Tường...

Năm học đầu tiên (61-62) trường có 3 lớp 8 (tương đương lớp 10 hiện nay),

Học nhờ ở trường Cấp 2 Sơn Bằng (đóng ở Chùa Cụp , nay là UBND xã Sơn Bằng) một năm, sau đó chuyển về Sơn Châu. Năm học 62-63 trường có 6 lớp, đội ngũ giáo viên được bổ sung thêm một số thầy cô giáo như: thầy Lê bá Đô, thầy Nguyễn Hồng Phi, thầy Lê Đức Định, thầy Đoàn Dánh...Cơ sở vật chất của nhà trường ở Sơn Châu được xây dựng khá khang trang, có đầy đủ hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm, văn phòng...Từ 3 lớp ban đầu đến năm học 1963-1964, toàn trường đã có 15 lớp với gần 700 học sinh.

Giảng dạy và học tập là nhiệm vụ trung tâm rất được coi trọng. Phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi là công việc thường xuyên của giáo viên. Các thầy cô giáo đến lớp thực hiện công việc này một cách tự giác say mê, không đòi hỏi được bồi dưỡng thêm về vật chất. Ngay từ những ngày đầu còn không ít khó khăn ấy, thầy trò trường PTTH Hương Sơn đã khẳng định được vị trí và tầm vóc của mình trong phong trào giáo dục của Hà Tĩnh nói riêng và đât nước nói chung. Đội ngũ giáo viên giỏi dẫn đầu toàn tỉnh với những tên tuổi như thầy Đoàn Dánh (toán), thầy Trần trọng Chấm (Hoá), thầy Lê Đức Định (Văn), thầy Đinh Nho Quỳ (Vật lý), thầy Mạnh (Sinh vật), thầy Mai (Địa lý), thầy Nguyễn Trinh Thuyên (Thể dục)...và rất nhiều thầy giáo cô giáo khác.Đó là một tập thể sư phạm với những con người trong sáng về phẩm chất, vững vàng về chuyên môn, tận tuỵ với học sinh, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Từ trong gian khó, thế hệ học trò đàn anh của trường đã phấn đấu rèn luyện trưởng thành đóng góp đáng kể cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Những gương mặt như Tống trần Lữ, Trần Bạch Giang , Tống Trần Tùng, Đinh Quang Báu, Lê Thái Phong, Nguyễn Trí Tuệ, Đinh Nho Kiểu, Phan thị Lan...và rất nhiều các anh các chị khác đã vượt khó vươn lên làm rạng danh mái trường, rạng rỡ truyền thống hiếu học của miền quê nghèo sơn cước. Song song với hoạt động giảng dạy, học tập các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao của trường cũng khá sôi nổi. Đội bóng đá học sinh trường Hương Sơn đã đạt được những thành tích cao trong các giải phong trào của ngành GD và của tỉnh Hà Tĩnh...

Có thể nói những năm từ 1961 đến 1964 là những năm trường Cấp 3 Hương Sơn hoạt động rất sôi nổi và toàn diện, đạt được rất nhiều thành tích, tạo tiền đề cho những năm học tiếp theo trong hoàn cảnh đất nước phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ

II- Những năm sơ tán (1965-1975)

Bị thua đau trên chiến trường miền Nam, nhất là trong Đông –Xuân 64-65, đế quốc Mỹ đã chuyển sang thực hiện chiến lực “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc- (đặc biệt là sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ). Cuộc chiến ngày càng ác liệt, Hà Tĩnh nằm trong vùng tuyến lửa...Từ đây, thầy và trò trường Hương Sơn bước vào giai đoạn “Cõng sách trên vai, đường dài sơ tán” với phương châm vượt bom đạn, gian khổ để giữ vững sự nghiệp giáo dục đào tạo, để gìn giữ ánh sáng của ngọn lửa tri thức trên đất học Hương Sơn. Mười năm, từ 1965 đến 1975 trường đã sơ tán qua rất nhiều địa diểm khác nhau trên địa bàn Hương Sơn. Năm học 64-65 sơ tán về khu vực Rú Cựa (thuộc xã Sơn Bằng). Thầy trò đã bỏ ra hàng ngàn công lao động xây dựng hầm hào, lán luỹ, Tất cả các lán học đều có một luỹ đất dày, cao bao quanh, nối với nhau bởi một hệ thống giao thông hào dài hàng trăm mét. Văn phòng nhà trường, các thầy cô giáo, học sinh đều ở nhờ trong nhà dân. Những năm ấy đường Quốc lộ 8A là mục tiêu đánh phá thường xuyên của máy bay Mỹ, để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, nhà trường quyết định đưa một số lớp sơ tán xuống vùng Thượng Hoà- Sơn Hoà (những lớp này chủ yếu là học sinh vùng hạ Hương Sơn), nửa còn lại học ở Sơn Bằng một thời gian sau đó chuyển vào Hồng Lĩnh ( thuộc xã Sơn Hàm). Chiến tranh càng ngày càng lan rộng, ác liệt, năm học 68-69 trường phải sơ tán vào sâu trong vùng núi thuộc 2 xã Sơn Thuỷ và Thanh Mai (Sơn Mai). Thầy Trần Đình Tiêu (Hiệu trưởng) chuyển công tác về trường SPTN cấp 2 Hà Tĩnh, thầy Trương Thang quyền hiệu trưởng. Năm học 69-70 thầy Thái Cung được bổ nhiệm hiệu trưởng, thầy Lê văn Chi hiệu phó. Trường chuyển từ Sơn Thuỷ về vùng núi Hoa Bảy (Sơn Phúc). Thầy trò vừa học vừa xây dựng trường ở Lịch Sơn (Sơn Bằng). Năm 1972, máy bay Mỹ ném bom vào trường, làm chết 2 học sinh, cơ sở vật chất bị tàn phá khá nặng nề, lại tạm thời chuyển về học ở Sơn Phúc.Cũng thời gian này, trường Hương Sơn tách một bộ phận thành lập trường Lê Hữu Trác. Sau tháng giêng năm 1973 ,khi hiệp định Pa ri được ký kết, trường lại chuyển về Lịch Sơn. Năm 1974 thầy Thái Cung chuyển sang công tác ở UBND huyện, thầy Phạm Trọng Chương lên hiệu trưởng, thầy Lê văn Bích hiệu phó kiêm bí thư chi bộ .

Chiến tranh, Hương Sơn là một trong những vùng trọng điểm đánh phá của đé quốc Mỹ. Lửa thử vàng, gian nan thử sức thầy trò trường PTTH Hương sơn càng vững vàng hơn trong những thử thách cam go. Điều kiện vật chất thiếu thốn, trường lại liên tục phải di chuyển địa điểm nhưng không vì thế mà phong trào học tập, chất lượng học tập giảm. Ngược lại, trong bom đạn khó khăn càng ngời lên truyền thống hiếu học của con người Hương Sơn, thầy trò trường Hương Sơn. Từ 3 lớp ban đầu đến năm học 1973-1974 trường đã phát triển tới 24 lớp (8 lớp 8, 8 lớp 9, 8 lớp10) với hơn 1200 học sinh. Cán bộ, giáo viên tất cả có 43 người với nhiều thế hệ nối tiếp nhau.

Trong cái khốc liệt của chiến tranh, sự nghiệp trồng người, những mục tiêu đào tạo của nền giáo dục đất nước được nhà trường quán triệt sâu sắc.Vừa làm tròn nhiệm vụ của những người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, thầy trò trường Hương Sơn cũng trọn vẹn nghĩa vụ hậu phương lớn của cuộc chiến tranh giải phóng. Trong thập kỷ sáu mươi và những năm đầu của thập kỷ 70 (thế kỷ 20) hàng trăm học sinh và có cả những thầy giáo của trường như thầy Tô Quang Hồng, thầy Truyền...đã tình nguyện ra chiến trường, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, rất nhiều người đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc, làm rạng danh truyền thống anh hùng của quê hương đất nước.

III – Những năm hoà bình (1975- đến nay)

1, Thời kỳ từ 1975-1985

Hoà bình, trường vẫn đóng ở Lịch Sơn. Măc dù, công việc xây dựng trường đã được bắt đầu từ trước đó nhưng vẫn còn không ít những khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo, trường vẫn nhà tranh vách đất. Nhà trường, phụ huynh, học sinh lại chung lưng đấu cật, ngược ngàn xẻ gỗ, đào đất cất gạch, dựng trường dựng lớp. Cơ sở vật chất của nhà trương,với sự đầu tư của cấp trên, sự đóng góp của phụ huynh học sinh dần được xây dựng lại khang trang hơn.Với phương châm chỉ đạo là ưu tiên số một cho công tác dạy và học của học sinh và giáo viên, nhà trường dành toàn bộ 4 dãy nhà cấp 4 làm phòng học, phòng thí nghiệm. Văn phòng nhà trường, khu tập thể giáo viên vẫn tranh tre, nứa lá. Thày trò đã bỏ ra hàng trăm công lao động để xây dựng, tôn tạo khuôn viên nhà trường. Cảnh quan nhà trường vì thế ngày càng đẹp hơn. Phong trào thi đua dạy tốt học tốt của thầy và trò được phát động khá sôi nổi. Ban giám hiệu nhà trường hết sức chăm lo công tác giáo dục đạo đức, xây dựng kỷ cương, nề nếp , chỉ đạo Đoàn thanh niên tăng cường và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục tư tưởng trong đoàn viên thanh niên học sinh, nhằm ngăn chặn lối sống lai căng đang có xu hướng xâm nhập vào nhà trường. Bởi vậy chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng được nâng cao. Đội tuyển học sinh giỏi của trường với những gương mặt tiêu biểu như Nguyễn Mạnh Hà, Phạm xuân Cảnh, Lê Tiến Dũng, Phan thị Kim Liên, Nguyễn thị Lan Hương, Nguyễn Tân Mỹ, Lê Mộng Hùng.... luôn đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Những năm tháng này cả đất nước rộn ràng trong cảnh dựng xây, tái thiết. Ngoài những giờ lên lớp, những buổi đến trường, thầy trò lại hăng say tham gia lao động trên các công trường xây dựng như đào đắp kênh mương ở Sơn Thủy, Sơn Mai, đắp đê ngăn lũ Tân Long, trồng cây trên các vùng đồi ở Trung Mỹ, Khe Cò, núi Nầm...tham gia tuyên truyền nuôi thả bèo dâu ở các hợp tác xã...

Hoà bình chưa được bao lâu, “khói Cam Tuyền ải Bắc lại vờn mây”- chiến tranh biên giới phía Bắc rồi phía Nam bùng nổ. Đất nước lại bước vào cuộc chiến mới, thực hiện lệnh tổng động viên hàng trăm học sinh của trường xếp bút nghiên lên đường ra trận. Máu của các anh lại đổ trên các chiến trường biên giới để gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Trong số học sinh của trường ra đi trong những năm ấy, nhiều người mãi mãi không trở về, vẫn còn đó những chương trình học dang dở, những tấm bằng tốt nghiệp mà các anh chưa kịp nhận. Tổ quốc đời đời ghi công các anh! Mái trường này mẫi mãi nhớ, mẫi mãi tự hào về các anh!

Năm 1981 thực hiện Nghị quyết 14 của Bộ chính trị triển khai chủ trương cải cách giáo dục lần thứ 3, trường Cấp 3 Hương Sơn đổi tên thành Trường PTTH Hương Sơn.

Những năm 79, 80 là những năm mà đời sống hết sức khó khăn. Mặc dù vậy nhưng những khó khăn của cuộc mưu sinh đẫ không làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Hằng đêm, các thầy, các cô vẫn miệt mài trên từng trang giáo án và những giờ lên lớp vẫn đầy tính nhân văn, đầy tinh thần trách nhiệm. Mười năm (từ 1975-1985) là mười năm thử thách trong cái nghiệt ngã của đời thường, trong những bộn bề lo toan, thầy cô vừa dạy học vừa vật lộn với cuộc sống thường ngày. Đáng tự hào biết bao nhiêu về bản lĩnh vững vàng, sự tâm huyết với nghề, với học sinh của tập thể sư phạm dưới mái trường này.Các thế hệ thầy cô giáo, học sinh nối tiếp còn mãi khắc ghi hình ảnh các thầy Phạm Trọng Chương (Hiệu trưởng), thầy Nguyễn Huy Liệu (hiệu phó), thầy Đào Víêt Đôn (Hiệu phó) trăn trở tìm tòi các giải pháp chỉ đạo, nâng cao chất lượng giáo dục...thầy Phạm Hữu Chí ( Chủ tịch CĐ) lăn lội về các xã xin đất, xin ruộng sản xuất để cải thiện đời sống cán bộ, giáo viên...Không thể nào quên hình ảnh các thầy Uông Văn Dần, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Khắc Hùng, Hoàng Đình Đức...những thủ lĩnh của phong trào Đoàn lúc bấy giờ...Không thể nào quên hình ảnh các thầy cô giáo như thầy Dánh , thầy Quỳ, thầy Chấm, thầy Phong, cô Điều, thầy Chữ, thầy Hữu, thầy Tiêu, cô Hồng, thầy Cương, thầy Thành, thầy Tuấn, thầy Kỷ, thầy Minh, cô Hương, thầy Tý, cô Lan, cô Hạnh, cô Việt, thầy Sĩ, thầy Quế, thầy Hội, thầy Nại, thầy Giản, cô Bé, thầy Lương, cô Truyện, thầy Vinh, thầy Niệm, thầy Nhuận, thầy Quỳnh ... những lời giảng đầy tâm huyết của các thầy các cô, vượt qua những ràng buộc chi phối của thiếu thốn, đói khổ...đã chắp cánh cho bao thế hệ học sinh bay xa.

Những thế hệ học sinh giai đoạn này- tiếp bước thế hệ đàn anh đã bền bỉ phấn đấu, vượt qua gian khó, trưởng thành.Đã có người hiện nay là uỷ viên TƯ, Thường vụ Tỉnh uỷ, nhiều người là trưởng phó các ban ngành cấp tỉnh , huyện, nhiều người đã có học vị tiến sỹ, thạc sỹ; nhiều người đã là sĩ quan cầp cao trong quân đội, nhiều người đã trở thành nhà khoa học, nhà thơ, nhà văn, dịch giả, nhiều người đẫ trở thành những doanh nhân có uy tín, thành đạt trên thương trường...Đây là thế hệ học sinh đang độ sung sức, đầy năng động và sáng tạo trên mọi lĩnh vực, ở khắp trên mọi miền đất nước

2-Thời kỳ từ 1986 đến 2006

Mười năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, hầu hết các trường trong tỉnh đã đi vào ổn định, tập trung củng cố cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng thì một lần nữa, trước yêu cầu về qui hoạch xây dựng và mục tiêu phát triển Văn hoá-Giáo dục của huyện nhà, trường PTTH Hương Sơn lại từ Lịch Sơn chuyển về thị trấn Phố Châu.Thầy trò đứng trước những thử thách mới. Năm 1986 thầy Phạm Trọng Chương nghỉ hưu, thầy Nguyễn Huy Liệu quyền hiệu trưởng một thời gian, tháng 6/1986 thầy Hồ Thành Kiểm (phó phòng giáo dục Hương Sơn) được bổ nhiệm làm hiệu trưởng nhà trường; Hiệu phó thầy Trần Sĩ Quyền , thầy Nguyễn Huy Liệu, thầy Đào Viết Đôn.

Hè năm học 1987, bắt đầu cuộc chuyển trường, thầy Nguyễn Huy Liệu (Hiệu phó) được giao lập luận chứng KTKT, qui hoạch mặt bằng, thiết kế kỷ thuật, tổng dự toán gần 2 triệu đồng, thông qua Chi bộ, Hội đồng nhà trường, trình cấp trên được nhất trí và đánh giá cao. Mục tiêu đặt ra cho kế hoạch di chuyển là Nhanh gọn, an toàn, đảm bảo thời gian, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nghỉ học vì không có trường.

Ngày 8/8/87 bắt đầu kế họach di chuyển, mỗi lớp có một phụ huynh giỏi nghề mộc hướng dẫn, giáo viên chủ nhiệm lãnh đạo, tháo dỡ vận chuyển trường cũ về dựng lợp ở Phố Châu.Ngày 15/8 hoàn thành nhà văn phòng, phòng hội đồng, phòng thí nghiệm, thư viện...Do đã quá niên hạn sử dụng nên một số phòng học, phần gỗ bị hỏng hoàn toàn... Lại huy động sức dân, góp tranh tre nứa lá cùng thầy trò cưa đục, đắp nền, dựng lợp, trát vách. Đến ngày 25/8 tất cả các hạnh mục công trình hoàn thành kịp khai giảng năm học mới, cả trường học một ca. Tuy tranh tre, vách đất nhưng đều tăm tắp, ngay hàng thẳng lối, rất đẹp. Trường về địa diểm mới, bộn bề công việc, thầy trò vừa học vừa làm, vận chuyển hàng ngàn khối đất san lấp mặt bằng, tôn tạo khuôn viên nhà trường

Đất nước những năm đầu đổi mới còn không ít khó khăn, đời sống giáo viên hết sức chật vật, cuộc cải cách giáo dục đã tác động đến cơ cấu bậc THPH, số lớp giảm, nội dung giáo dục lao động được đặt ra cao hơn, xu hướng tìm kiếm và tổ chức các hoạt động dịch vụ được quan tâm. Trường lại đứng trước những thách thức mới, sắp xếp lại đội ngũ, tổ chức các hoạt động lao động hướng nghiệp, hoạt động dịch vụ phù hợp...tất cả là thành những bài toán không dễ tìm lời giải. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, lấy chất lượng giáo dục làm mục tiêu, dạy và học là nhiệm vụ trọng tâm, nhà trường đẫ từng bước khắc phục khó khăn bằng những giải pháp đầy sáng tạo. Song song với hoạt động dạy và học, công tác giáo dục hướng nghiệp cũng có những điều chỉnh theo hướng tiệm cận dần với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Phát triển nghành nghề truyền thống, nhà trường mở các lớp dạy nghề cho học sinh như: nghề làm nón, đan lát…tổ chức sản xuất gạch để có vật liệu xây dựng trường, làm nấm rơm, sản xuất rượu chanh nhãn hiệu Hà Sơn...


Cuối năm học 1988-1989 thầy Hồ Thành Kiểm chuyển về hiệu trưởng trường Lê Hữu Trác I, thầy Nguyễn Khắc Nhượng (hiệu trưởng trường PTTH Cao Thắng) về làm hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Huy Liệu, thầy Trần Sĩ Quyền (Hiệu phó). Cơ sở vật chất của nhà trường từng bước được củng cố, xây dựng theo hướng kiên cố hoá với 12 phòng học cấp 4, nhà học ba tầng với 15 phòng, nhà văn phòng 2 tầng và các công trình phụ trợ khác. Số lượng phòng học tăng nhưng số lớp lại giảm do cải cách giáo dục, một số giáo viên phải chuyển xuống dạy cấp 2, một số chuyển công tác khác...Những thay đổi đó đẫ tác động không nhỏ đến tình hình chung của nhà trường, xáo trộn tâm tư cán bộ giáo viên. Nhưng với những nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình, tận tụy với học sinh , tâm huyết với sự nghiệp trồng người, tập thể sư phạm của nhà trường vẫn vững vàng vươn lên, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trên dưới một lòng, chăm lo công tác chuyên môn, bồi dưỡng đội ngũ kế cận, rất nhiều thầy cô giáo đã phấn đấu không mệt mỏi để trở thành giáo viên giỏi các cấp, một số trở thành nòng cốt trong mạng lưới chuyên môn của ngành. Các thế hệ học sinh của trường trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới đẫ không phụ tấm lòng của thầy cô, kế thừa và phát huy truyền thống của các lớp đàn anh, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống vật chất, quyết chí học tập, luyện rèn. Trong số họ đã có những người có học vị tiến sỹ, thạc sỹ, rất nhiều người thành đạt trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Và đặc biệt hàng ngàn học sinh của trường đang là lực lượng lao động chính xây dựng quê hương.

Những năm sau thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, đất nước đẫ có những bước chuyển quan trọng. Đời sống nhân dân được nâng lên, nhu cầu về đời sống văn hoá, tinh thần, nhu cầu về học tập ngày càng cao. Giáo dục không thể không đổi mới, những cải cách, những đột phá trong của nền giáo dục đất nước trong giai đoạn này đã làm cho hệ thống trường lớp, số lượng học sinh tăng đáng kể.Đây là một điều đáng phấn khởi nhưng tình hình này cũng kéo theo không ít những khó khăn nhất là về cơ sở vật chất và đội ngũ. Ngoài những khó khăn chung do quy mô trường lớp tăng, trường THPT Hương Sơn lại đứng trước những khó khăn, những thử thách mới với nhiều điểm riêng biệt.

Năm học 1990-1991, thầy Nguyễn Khắc Nhượng (hiệu trưởng) về hưu, tháng 9/1991 thầy Nguyễn Khắc Hào (Hiệu trưởng trường Lê Hữu Trác2) được điều chuyển lên làm hiệu trưởng trường Hương Sơn. Ban giám hiệu, cấp uỷ, chi bộ cùng các tổ chức đoàn thể khác của nhà trường đẫ không ngừng chăm lo, củng cố khối đoàn kết, trăn trở tìm những giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao đời sống giáo viên...Những động thái tích cực đó đã thực tạo nên một sinh khí mới, một sức mạnh mới trên tiến trình đổi mới và phát triển của nhà trường. Năm học 1992-1993 trường đạt danh hiệu trường tiên tiến của tỉnh, số lượng học sinh đậu tốt nghiệp, đậu vào các trường ĐH, CĐ tăng đáng kể. Ngoài chất lượng văn hoá, việc giáo dục đạo đức học sinh được chú ý tăng cường, các hoạt động giáo dục lý tưởng, truyền thống cho học sinh được chú trọng, hoạt động giáo dục hướng nghiệp đã có những lựa chọn phù hợp với thực tiễn của địa phương và yêu cầu dạng hoá, hiện đại hoá trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế đất nước trong đang trên đà đổi mới và hội nhập...Tất cả những giải pháp, những hoạt động, những kết quả đó đẫ từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo đà cho sự phát triển của nhà trường trong những năm học tiếp theo.

Tháng 9/1993 thầy Nguyễn khắc Hào chuyển về công tác tại Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, thầy Trần Sĩ Quyền được bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó thầy Nguyễn Huy Liệu, thầy Thái Văn Huấn. Toàn trường có 27 lớp với gần 1400 học sinh, 63 cán bộ giáo viên.

Phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm học trước, trường THPT trong thập kỷ 90 đẫ có những bước chuyển mình, những bứt phá đáng kể trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà trường. Ban giám hiệu cùng tập thể anh chị em giáo viên cán bộ bám trường, bám lớp, tìm tòi các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, học tập. Các cuộc hội thảo, chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập với qui mô khác nhau từ tổ, lớp đến trường, liên trường...đã đưa hoạt động chuyên môn đi vào chiều sâu, có chất lượng và hiệu quả lớn. Tỷ lệ học sinh đậu vào đại học, cao đẳng tăng vọt, năm sau cao hơn năm trước; đội tuyển học sinh giỏi nhiều năm liền xếp thứ ba, thứ tư toàn tỉnh; đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, có trình độ vững vàng, rất nhiều thầy cô giáo nhiều năm liên tục đạt giáo viên giỏi cấp ngành, cấp tỉnh..đó là những gương mặt như thầy Trần văn Tiêu, thầy Trần văn Đản, thầy Lê văn Vỵ, Trần đình Trợ, Trần đình Đạt, Nguyễn tiến Sách, Nguyễn công Lý, Trần Hà, Đoàn Trọng Bình, Lê quang Trung, Trần thanh Tùng, cô Nguyễn thị Bích, cô Trần thị Lan, Thái thị Minh...Song song với những hoạt động chuyên môn, nhà trường cũng triệt để quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, hướng nghiệp cho học sinh, chú trọng công tác xã hội hoá giáo dục, kết hợp với các tổ chức đoàn thể khác trong và ngoài nhà trường ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xẫ hội vào học đường; phát động sâu rộng cuộc vận động “ Kỷ cương- Tình thương- Trách nhiệm”, “ Nói không với ma tuý” trong cán bộ, giáo viên, học sinh; việc củng cố, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho dạy và học cũng được Ban giám hiệu nhà trường hết sức quan tâm, xem là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định để nâng cao chất lượng, để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Những chuyển biến tích cực, những thành tích của nhà trường đã được ghi nhận: 5 năm liền (từ 1994-1999) đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp tỉnh, được UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc.

Tháng 6/2001, thầy Trần Sĩ Quyền chuyển sang làm trưởng phòng giáo dục huyện mới Vũ Quang, thầy Tháí văn Huấn lên hiệu trưởng, thầy Lê văn Vỵ ( Tổ trưởng tổ văn) được bổ nhiệm hiệu phó thay thầy Nguyễn huy Liệu nghỉ hưu. Đội ngũ giáo viên dần được trẻ hoá. Trận lũ quét năm 2002 đã tàn phá nặng nề cơ sở vật chất của nhà trường, bàn ghế, sách vở, thiết bị dạy học chìm trong lũ, phần lớn các phòng học ở các dẫy nhà cấp 4 bị hư hỏng nặng, hàng trăm mét tường rào bị nước cuốn trôi. Sau “trận đại hồng thuỷ”dữ dội ấy, thầy trò đã bỏ ra hàng ngàn công lao động khắc phục, củng cố cơ sở vật chất, tôn tạo lại khuôn viên nhà trường.Với nguồn kinh phí hỗ trợ của trên, đóng góp của phụ huynh học sinh nhà trường đã xây thêm 8 phòng cấp 4 phục vụ cho dạy và học.

Tháng 9/2003, Trường THPT Hương Sơn có những thay đổi về tổ chức, thầy Thái Văn Huấn được điều chuyển xuống hiệu trưởng trường PTTH Lê hữu Trác 2, thầy Lê Văn Vỵ chuyển sang làm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng thường xuyên Hương Sơn, thầy Phan xuân Cát (hiệu trưởng trường THPT Lê Hữu Trác I ) chuyển lên hiệu trưởng trường Hương Sơn trường Hương Sơn, thầy Phan Cao Hoà, Đoàn Trọng Bình (hiệu phó). Ban giám hiệu mới kết hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể khác trong nhà trường tăng cường công tác xây dựng kỷ cương nề nếp, củng cố cơ sở vật chất, đưâ ra những giải pháp, những quyết sách vừa phù hợp với tình hình thực tiễn, vừa tạo đà cho sự phát triển của nhà trường trước mắt và lâu dài trong xu hướng hội nhập hiện nay.

Năm học 2005-2006, trường có 75 giáo viên, cán bộ, công nhân viên, 30 lớp với gần 1600 học sinh.Về cơ sở vật chất dù còn không ít khó khăn nhưng trước mắt đã đáp ứng được yêu cầu dạy và học của giáo viên học sinh.Năm học 2005-2006 cũng là năm nhà trường thực hiện thí điểm phân ban.Chương trình mới, nội dung mới, phương pháp mới...đang đặt ra không ít những khó khăn, thách thức mới đối với tập thể sư phạm nhà trường.Muốn không tụt hậu phải đổi mới, liên tục đổi mới trên cơ sở quán triệt sâu sắc những mục tiêu giáo dục và định hướng phát triển của đất nước hiện nay. Đó là những hoạch định có tính chiến lược trước mắt và lâu dài của nhà trường trên lộ trình phát triển

Bốn mươi lăm năm nhìn lại, chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được.Từ mái trường này, bốn mươi lăm năm qua đ• có gần 30.000 học sinh ra đi, phấn đấu trưởng thành, đẫ và đang góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Dù ở đâu, trên bất cứ cương vị nào, trong thẳm sâu tiềm thức của họ vẫn mãi khắc ghi hình ảnh mái trường Hương Sơn yêu dấu.

Xin cảm ơn các thế hệ thầy cô giáo- những con ngưồi suốt 45 năm qua đã, bền bỉ vượt qua bao khó khăn gian khổ, tận tụy, tâm huyết với nghề, với học sinh, âm thầm gìn giữ ngọn lửa thiêng liêng của đạo học trên mảnh đất Hương Sơn, dệt nên những trang sử vẻ vang của nhà trường .

Xin cảm ơn các thế hệ học sinh, sự phấn đấu trưởng thành của các bạn đẫ một lần nữa tô thắm thêm những truyền thống vẻ vang của mái trường

Xin cảm ơn các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể, các bậc phụ huynh, nhân dân các địa phương...suốt 45 năm qua đã quan tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ

Đất nước trong công cuộc đổi mới đã có những bước chuyển lớn lao.Mỗi thời khắc của hiện tại chứa trong nó sức nặng của quá khứ và khát vọng tương lai.Bốn mươi lăm năm nhìn lại, truyền thống hiếu học của con người Hương Sơn, truyền thống đoàn kết của nhà trường, truyền thống cần cù vượt khó của học sinh, sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân...Tất cả là hành trang, là điểm tựa, là sức mạnh để trường THPT Hương Sơn vững vàng trên những chặng đường đi tới.




Lịch sử trường THPT Hương Sơn - Sưu tầm

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Không dùng những ngôn từ thiếu lịch sự.
* Bài viết sưu tầm nên ghi rõ nguồn.
* Tránh spam nhảm không liên quan đến chủ đề.

Yêu cầu viết tiếng Việt có dấu.


Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
_๑۩۞۩๑_Diễn Đàn Sơn Trường Online_๑۩۞۩๑_ :: 
SƠN TRƯỜNG QUÊ TÔI
 :: TẢN MẠN VỀ QUÊ HƯƠNG
-
Text Link Quãng cáo: Liên hệ Y!h: Tranvudangvt - Mail: Tranvudangvt@yahoo.com

Design by: Ken
Copyright ©2000-2009, Licensed to Photoshop.Chinhphuc.Info
Diễn đàn được đóng góp nội dung, phát triển bởi các thành viên.
Truy cập, sử dụng diễn đàn này nghĩa là bạn đã chấp nhận QUY ĐỊNH của diễn đàn
vBCredits v1.4 Copyright ©2008 - 2009, PixelFX Studios

Lịch sử trường THPT Hương Sơn - Sưu tầm Spacer Lịch sử trường THPT Hương Sơn - Sưu tầm Spacer

Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất